Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Bị bắt nạt, bị ném đá trên mạng và cách phòng tránh

Bị bắt nạt, bị ném đá trên mạng và cách phòng tránh

Gần đây nhiều vụ giả vờ đánh ghen, giả vờ đòi nợ để cướp tiền, cướp xe đã xảy ra ở ngoài cuộc sống, và nó cũng đang len lỏi lên mạng làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường online.

Một trong những tệ nạn gây nhức nhối nhất đó là nạn "bắt nạt trên mạng". Bắt nạt trên mạng có thể thể hiện bằng những cách như: Cô lập một cá nhân, kích động để cộng đồng ném đá một cá nhân trên mạng. Vì sự phát triển của mạng xã hội liên quan đến sự phát triển kinh doanh trên mạng nên sự "bắt nạt trên mạng" cũng gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ về vấn đề tâm lý mà còn cả đến thiệt hại về kinh tế nữa.



Nếu bạn đang kinh doanh online thành công, việc bị "bắt nạt trên mạng" có thể làm công việc kinh doanh online của bạn bị đình trệ hoặc đó là một cách để cạnh tranh không lành mạnh. Hãy tỉnh táo với điều đó và chuẩn bị trước.

Kẻ "bắt nạt trên mạng" có một số thủ đoạn như sau:

Cô lập

Một trong những điển hình của "bắt nạt trên mạng" là gán cho một người cái nhãn làm mọi người khác cảm thấy sợ hãi khi quan hệ như "phản động", "có hoạt động chính trị", "đang bị công an theo dõi"... Việc bị bắt nạt kiểu này thường làm cho người bị bắt nạt lo lắng, buồn vì bị cô lập. Nếu bạn bán hàng trên mạng có thể khiến khách hàng xa rời bạn để tìm đến với đối thủ và đương nhiên đối thủ của bạn được lợi.

Ném đá tập thể

Là việc nhiều người cùng vào lăng mạ và kích động mọi người công kích một người vì một vài khuyết điểm nào đó hoặc có thể một lý do do người ta gán cho. Việc bị ném đá tập thể có thể khiến cho người bị "bắt nạt" cảm thấy đau khổ.

Để phòng chống bị bắt nạt trên mạng

1. Kết bạn với người mình biết: Thông thường khi lên mạng chúng ta thường nghĩ rằng càng có nhiều friend càng tốt, nhưng thực tình thì chỉ những người bạn thật mới quan tâm đến bạn và thông tin của bạn. Dù bạn có nhiều friends trên Facebook nhưng nếu không có những người bạn thật thì khi bạn bị bắt nạt cũng không có ai hoặc có rất ít người chia sẻ với bạn. Tuy nhiên, bạn nên duy trì một số bạn mới nhất định ngoài số người mình biết nhưng hãy chọn những người có cùng quan tâm.

2. Sử dụng thông tin thật: Bạn không thể tạo dựng được lòng tin nếu dùng thông tin ảo, hình ảnh ảo, quan hệ ảo. Những thông tin thật, con người thật và bạn bè thật của bạn sẽ giúp bạn chứng minh cho cộng đồng bạn không như người ta tố cáo. Tuy nhiên bạn không nên cung cấp mọi thông tin về gia đình, con cái, lên mạng vì ngoài trường hợp "bắt nạt" thì còn những trường hợp "lợi dụng thông tin" để lừa đảo, bắt cóc, tống tiền (cái này sẽ đề cập trong một bài viết khác).

3. Không a-dua: Nếu bạn tham gia bắt nạt người khác một cách oan uổng, kẻ đi bắt nạt có thể quay lại bắt nạt bạn. Vậy hãy là người hiểu biết, hãy tra cứu và tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định bênh vực cho một ai đó, nhưng đừng a-dua tiếp tay cho việc ném đá người vô tội.

4. Làm điều đúng, bảo vệ lẽ phải, bênh vực người vô tội: Bạn không thể làm việc sai trái để được cộng đồng bảo vệ. Và bạn đừng kỳ vọng người khác sẽ bảo vệ bạn nếu như bạn không dám bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự thật và bỏ mặc bạn bè khi gặp hoạn nạn. Nếu bạn thấy người bạn mình tốt mà bị vu khống, ném đá... thì bảo vệ lẽ phải, bảo vệ bạn bè, bênh vực người vô tội cũng là trách nhiệm của bạn.

5. Tin tưởng bạn bè thay vì người lạ: Nếu bạn biết bạn mình là người tốt mà bị người lạ tung tin, dán nhãn, ném đá thì thay vì lo lắng xa lánh bạn mình theo lời của người lạ thì bạn nên tìm hiểu và đặt lòng tin vào những người bạn tốt của mình. Khi bạn biết bạn của mình trong khi người ném đá có khi chỉ vì a-dua theo người dụng ý xấu thì hãy lên tiếng bênh vực cho bạn thay vì mặc kệ để nhiều người lạ ném đá.

6. Tham gia nhiều nhóm, hoạt động cộng đồng thật: Bạn bị "bắt nạt" như "cô lập", "ném đá tập thể" là vì bạn không có đủ các quan hệ vững chắc và tin cậy. Một khi xây dựng được các mối quan hệ vững chắc và tin cậy bạn sẽ không lo bị những kiểu "bắt nạt" hay "khủng bố trên mạng" vì những bạn bè và người thân của bạn hiểu bạn và bảo vệ bạn.

Khi bị bắt nạt

Khi bạn bị bắt nạt trên mạng, hãy bình tĩnh và đừng lo lắng. Có thể kẻ muốn bắt nạt bạn để thỏa mãn tính ích kỷ, cũng có thể kẻ bắt nạt bạn vì mục đích kinh tế. Đừng để sự bắt nạt đó làm mạnh thêm cho kẻ xấu. Khi bạn bị bắt nạt có thể làm các việc sau đây:

1. Block kẻ bắt nạt ngay lập tức: Hãy lập tức block kẻ bắt nạt ngay lập tức và không cần đôi co với họ, hủy quan hệ, đồng thời Report với trang mạng (Facebook, Twitter...) để các nhà điều hành mạng xã hội giúp bạn ngăn chặn đồng thời bảo vệ cộng đồng.

2. Không lẩn trốn: Nếu bạn bị bắt nạt, bị ném đá bạn cứ bình tĩnh tham gia chia sẻ với cộng đồng một cách bình thường nhưng tránh kích động, vì đôi khi có nhiều người a-dua không tìm hiểu ném đá theo phong trào nếu bị kích động sẽ trở nên hung dữ tấn công bạn. Nhưng hãy cứ chia sẻ bình thường với bạn bè thật của bạn và phớt lờ những thông tin không đúng. Nếu có bằng chứng thì hãy bày tỏ trên tường cá nhân của mình để bạn bè được chứ không tham gia trong việc đôi co với người ném đá.

3. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè: Trong trường hợp bạn bị ném đá tập thể, hãy kêu gọi bạn bè giúp đỡ và minh oan cho bạn, hãy cung cấp những bằng chứng cho sự trong sạch của bạn và minh chứng sự dối trá của kẻ bắt nạt.

Điều quan trọng mà bạn nên nhớ rằng, người ta chỉ bắt nạt được người cô đơn và yếu đuối chứ không thể bắt nạt cả cộng đồng mạnh mẽ và đoàn kết. Vậy hãy luôn minh bạch, làm điều đúng đắn, kết nối và tích cực bảo vệ lẽ phải. Hãy biết để bảo vệ mình chứ không nên bắt nạt người khác vì cộng đồng luôn thông minh, nếu có bị lạc lối một thời gian họ cũng sẽ hiểu ra, nên nếu bạn đi bắt nạt người khác bạn sẽ rước hậu quả khôn lường cho bản thân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét